Bốn bước rèn tư duy phân tích (analytical thinking) dành cho sinh viên
Trong thời đại kỹ thuật số, một trong những kỹ năng quan trọng nhất đối với các marketer là tư duy phân tích (analytical thinking). Khi công nghệ ngày càng phát triển và nhiều công việc có thể được thay thế bởi AI, các kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy phản biện, sáng tạo và phân tích càng trở nên quan trọng trong mắt nhà tuyển dụng.
Theo World Economic Forum, analytical thinking là kỹ năng số 1 trong số các kỹ năng được các nhà tuyển dụng tìm kiếm của ứng viên. Nhà tuyển dụng mong muốn biết liệu bạn có khả năng tự suy nghĩ, giải quyết các vấn đề phức tạp và thu thập thông tin để đưa ra các quyết định hợp lý cho tổ chức hay không. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu 4 bước để áp dụng tư duy phân tích vào bất kỳ vấn đề nào, giúp bạn tự tin hơn khi trả lời phỏng vấn hoặc giải quyết công việc hàng ngày.
Tư duy phân tích là gì?
Sau khi tham khảo nhiều bài viết từ các nguồn uy tín cả trong và ngoài nước, mình rút ra kết luận rằng:
Tư duy phân tích (analytical thinking) là khả năng xử lý thông tin phức tạp bằng cách chia nhỏ và tổng hợp chúng để tìm ra các mối liên kết và đưa ra giải pháp tối ưu.
Nói một cách dễ hiểu, đây là khả năng giúp bạn nhìn rõ bức tranh toàn cảnh từ những mảnh ghép nhỏ và xử lý vấn đề một cách hiệu quả. Cụ thể, kỹ năng này bao gồm
Khả năng tổng hợp: kết hợp thông tin từ nhiều nguồn để tạo ra một bức tranh toàn cảnh.
Khả năng phân tích: chia nhỏ các vấn đề phức tạp thành các thành phần nhỏ hơn và xác định mối quan hệ giữa chúng.
Khả năng đánh giá: đánh giá tính chính xác, độ tin cậy và tầm quan trọng của thông tin.
Giải quyết vấn đề: biết cách ưu tiên và xác định các giải pháp tiềm năng cho các vấn đề và lựa chọn giải pháp tốt nhất.
Ra quyết định: đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên thông tin được phân tích.
Chính vì vậy, tư duy phân tích đòi hỏi bạn phải thực sự dành nhiều nỗ lực để luôn nhìn mọi vấn đề, sự việc trong cuộc sống theo nhiều khía cạnh khác nhau, luôn biết đặt câu hỏi và tìm cách chứng thực các thông tin đó bằng các nguồn tin cậy. Đây là kỹ năng vô cùng quan trọng mà bất kỳ marketer nào trong thời đại 4.0 cũng cần phải xây dựng.
4 bước áp dụng kỹ năng tư duy phân tích
Bước 1: Xác định vấn đề
Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein từng có câu:
"Nếu tôi có một giờ để giải quyết một vấn đề, tôi sẽ dành 55 phút để suy nghĩ về vấn đề đó và 5 phút để suy nghĩ về giải pháp."
Lúc này, mô hình Issue Tree sẽ phát huy tác dụng. Hiểu một cách đơn giản, bạn sẽ sử dụng tất cả những giả định để bóc tách vấn đề mà chưa cần kiểm chứng tính đúng sai. Hãy lưu ý rằng đây là bước rất quan trọng và cần dành nhiều thời gian để hoàn thiện tất cả các khả năng dẫn đến vấn đề đang đặt ra. Đặt câu hỏi liên tục cho mỗi nhánh cho đến khi bạn cảm thấy không thể bóc tách thêm được nữa.
Hãy cùng xem xét ví dụ về vấn đề "Tại sao ngày càng nhiều khách hàng của Telco hủy đăng ký dịch vụ di động?". Trong ảnh trên, tác giả chia nhỏ thành 2 nhánh chính: Khách hàng muốn hủy đăng ký và khách hàng bị buộc phải hủy đăng ký. Tiếp tục tách thành các nhánh nhỏ hơn để đảm bảo bạn sẽ không bỏ xót khả năng nào. Chẳng hạn, nếu thấy số lượng khách hàng bị hủy đăng ký do sự cố hệ thống tăng lên đáng kể, bạn sẽ biết rằng có thể cần phải kiểm tra tình hình hệ thống nội bộ.
Trong trường hợp bạn không thể tự mình đưa ra các giả thuyết khi tiếp cận một vấn đề mới (hoặc quá khó), bạn có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ như Chat GPT hoặc Gemini để gợi ý thêm các giả thuyết.
Bước 2: Thu thập dữ liệu
Ở bước này, bạn sẽ kiểm chứng các giả thuyết từ Issue tree để xác định nguyên nhân thực sự của vấn đề. Trước khi làm điều này, bạn cần tự trả lời câu hỏi:
“Đâu là những giả thuyết mình cần kiểm chứng? Mình có thể tìm kiếm các thông tin đó qua các nguồn nào?”
Trên thực tế, bạn có thể dễ dàng tìm thấy vô số dữ liệu chỉ với vài cú click chuột trên internet hoặc bằng cách hỏi đồng nghiệp, cấp trên. Điều quan trọng là xác định rõ câu hỏi và vấn đề bạn cần giải quyết, sau đó tìm kiếm các nguồn dữ liệu phù hợp để trả lời các câu hỏi đó.
Dữ liệu sơ cấp (Primary data): Đây là dữ liệu bạn tự thu thập bằng các phương pháp như: khảo sát khách hàng, phỏng vấn, hoặc thử nghiệm thực tế. Chẳng hạn, nếu bạn nghi ngờ rằng nhiều khách hàng hủy đăng ký dịch vụ do trải nghiệm trên ứng dụng di động kém, bạn có thể tiến hành khảo sát trực tiếp những khách hàng đã hủy để hỏi lý do cụ thể.
Dữ liệu thứ cấp (Secondary data): Đây là dữ liệu có sẵn như các báo cáo nghiên cứu thị trường, số liệu thống kê từ các đơn vị uy tín, hoặc dữ liệu trong công ty. Ví dụ, bạn có thể xem xét các báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường để hiểu rõ hơn về xu hướng và hành vi của người tiêu dùng. Ngoài ra, xem xét các báo cáo nội bộ từ Google Analytics về tỷ lệ hủy đăng ký theo từng tháng để xác định thời điểm nào có nhiều khách hàng rời bỏ nhất,…
Lưu ý nhỏ
Ngay cả khi bạn nhận thấy một nguồn dữ liệu đưa ra kết quả đúng như dự đoán, chúng ta vẫn cần double-check từ nhiều nguồn khác để đảm bảo tính chính xác. Ví dụ, nếu dữ liệu khảo sát cho thấy nhiều khách hàng hủy đăng ký vì giá cả, hãy kiểm tra lại dữ liệu từ bộ phận sales để xem liệu có sự thay đổi về giá hay không.
Ví dụ
Giả thuyết: Khách hàng hủy đăng ký vì trải nghiệm người dùng kém trên ứng dụng di động.
Dữ liệu sơ cấp: Khảo sát 500 khách hàng đã hủy đăng ký trong 3 tháng qua.
Dữ liệu thứ cấp: Báo cáo từ Google Analytics về thời gian sử dụng ứng dụng và tỷ lệ thoát.
Kết quả: 60% khách hàng khảo sát cho biết họ gặp lỗi khi sử dụng ứng dụng. Dữ liệu từ Google Analytics cũng cho thấy tỷ lệ thoát cao vào thời điểm ứng dụng gặp lỗi.
Hành động: Dựa trên dữ liệu thu thập được, bạn có thể kết luận rằng trải nghiệm người dùng kém là nguyên nhân chính dẫn đến việc khách hàng hủy đăng ký. Từ đó, bạn có thể đề xuất giải pháp cải thiện trải nghiệm người dùng ở bước tiếp theo.
Tóm lại, thu thập dữ liệu không chỉ giúp bạn xác định chính xác vấn đề mà còn là nền tảng để đưa ra các giải pháp hiệu quả. Bạn sẽ ra quyết định dựa trên dữ liệu thay vì cảm tính, đảm bảo các giải pháp đề xuất đều có cơ sở rõ ràng.
Bước 3: Đề xuất giải pháp
Đây là lúc bạn cần kết hợp giữa tư duy sáng tạo (creative thinking) và tư duy phân tích (analytical thinking) để đưa ra càng nhiều giải pháp càng tốt. Một trong những phương pháp mà mình yêu thích nhất để brainstorm các ý tưởng là mô hình SCAMPER.
Dựa trên nguyên lý tạo ra sự thay đổi cho những thứ đang tồn tại xung quanh, SCAMPER giúp chúng ta có những ý tưởng đột phá và giá trị hơn. Để sử dụng phương pháp này, trước hết, bạn cần xác định rõ ràng vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết là gì. Sau đó, bạn hãy áp dụng các câu hỏi này để tìm ra các giải pháp sáng tạo:
Substitute: Có thành phần nào có thể thay thế được không?
Combine: Có thể kết hợp với yếu tố nào khác để tạo ra giá trị mới không?
Adapt: Có điều gì có thể được điều chỉnh hoặc thích nghi để phù hợp hơn không?
Modify: Có thể sửa đổi kích thước, hình dạng, chức năng không?
Put to another use: Có thể sử dụng cho mục đích khác không?
Eliminate: Có yếu tố nào có thể loại bỏ được không?
Rearrange/Reverse: Có thể sắp xếp lại hoặc đảo ngược để đạt hiệu quả tốt hơn không?
Như ví dụ trong hình trên, chúng ta đang đối mặt với vấn đề ngày càng nhiều khách hàng của Telco hủy đăng ký dịch vụ di động. Áp dụng phương pháp SCAMPER, chúng ta có thể đề xuất các giải pháp như sau:
Substitute: Thay thế các gói cước hiện tại bằng các gói cước linh hoạt hơn, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách hàng.
Combine : Kết hợp dịch vụ di động với các dịch vụ khác như truyền hình cáp, internet để tạo ra gói combo hấp dẫn hơn.
Adapt: Thích nghi các chiến lược tiếp thị để tiếp cận các nhóm khách hàng mới hoặc thị trường mới.
Modify: Thay đổi giao diện ứng dụng di động để cải thiện trải nghiệm người dùng.
Put to another use: Sử dụng dịch vụ di động của Telco cho các mục đích khác như dịch vụ thanh toán di động.
Eliminate: Loại bỏ các quy trình phức tạp khi khách hàng muốn hủy đăng ký hoặc chuyển đổi gói cước.
Rearrange: Sắp xếp lại các chương trình khuyến mãi để tăng tính hấp dẫn và dễ tiếp cận.
Reverse: Thay vì chỉ tập trung vào việc giữ chân khách hàng, hãy thử thu hút lại những khách hàng đã hủy đăng ký bằng các ưu đãi đặc biệt.
Bước 4: Ưu tiên giải pháp (80/20)
Sau khi đã có danh sách các ý tưởng từ phương pháp SCAMPER, bước tiếp theo là đánh giá và chọn lọc các giải pháp khả thi để trình bày cho cấp trên. Bạn cần xem xét đến 2 yếu tố chính: tính khả thi và mức độ ảnh hưởng.
Trên thực tế, đây là 2 yếu tố mà những người mới, chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ rất khó tự đánh giá. Do đó, bạn cần phối hợp với các đồng nghiệp có kinh nghiệm trong phòng ban để tham khảo ý kiến, hoặc nghiên cứu case study tương tự từ các công ty trên thị trường.
Một trong những công cụ hiệu quả để phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các giải pháp là Ma trận Impact - Effort (ảnh hưởng - nỗ lực). Đây là phương pháp phổ biến giúp bạn đánh giá nhanh chóng các ý tưởng dựa trên hai tiêu chí chính:
High Impact - Low Effort: Những giải pháp này nên được ưu tiên hàng đầu vì chúng mang lại kết quả tốt với ít công sức.
High Impact - High Effort: Những giải pháp này cũng đáng để đầu tư, nhưng cần xem xét kỹ lưỡng về nguồn lực và thời gian.
Low Impact - Low Effort: Những giải pháp này có thể thực hiện nếu còn dư nguồn lực, nhưng không nên đặt ưu tiên cao.
Low Impact - High Effort: Những giải pháp này thường không đáng để đầu tư vì tốn nhiều công sức mà không mang lại nhiều kết quả.
Ba case study giúp bạn áp dụng kỹ năng tư duy phân tích trong marketing
Các bài tập dưới đây sẽ không có đáp án đúng hay sai mà quan trọng là ở cách bạn đưa ra dẫn chứng và lập luận có nhất quán, giúp giải quyết vấn đề thực sự của doanh nghiệp hay không. Do đó, cứ thoải mái và coi như đây là cơ hội để bạn luyện tập cách tư duy khi đối mặt với các vấn đề nha.
Case Study 1: Online retailer
TrendyThreads - một nhà bán lẻ quần áo trực tuyến nổi tiếng, nhận thấy các đối thủ cạnh tranh đang cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày (same-day delivery) cho khách hàng ở các thành phố lớn, dẫn đến sự hài lòng của khách hàng tăng cao và doanh số bán hàng tăng. Để theo kịp đối thủ và thúc đẩy doanh số bán hàng của mình, TrendyThreads có kế hoạch triển khai dịch vụ giao hàng trong ngày tại tất cả các thành phố lớn bắt đầu từ tháng tới.
Câu hỏi:
Trong các yếu tố sau, yếu tố nào khiến kế hoạch của TrendyThreads có khả năng cao sẽ KHÔNG đạt được mục tiêu nếu được triển khai?
(A) Việc triển khai giao hàng trong ngày đòi hỏi đầu tư đáng kể vào nhân sự và cơ sở hạ tầng, điều này có thể tạm thời làm giảm tỷ suất lợi nhuận của TrendyThreads.
(B) Khách hàng hiện tại của công ty quan tâm nhiều đến yếu tố chất lượng và tính khan hiếm của các trang phục của TrendyThreads, khiến nhiều người trong số họ lên kế hoạch mua hàng từ rất sớm.
(C) Một số đối thủ cạnh tranh của TrendyThreads đã gặp phải sự gia tăng phàn nàn của khách hàng về việc giao hàng trễ và hàng hóa bị hư hỏng sau khi giới thiệu dịch vụ giao hàng trong ngày.
(D) Phần lớn người mua sắm trực tuyến sẵn sàng trả thêm phí cho các lựa chọn giao hàng nhanh hơn, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với dịch vụ giao hàng trong ngày.
Case Study 2: Beverage Industry
Đầu năm ngoái, chuỗi cửa hàng nước ép RefreshJuice đã chuyển từ sử dụng cốc nhựa dùng một lần sang cốc thủy tinh tái sử dụng nhằm bảo vệ môi trường. RefreshJuice cho rằng sự thay đổi này dẫn đến giảm doanh số bán nước ép do khách hàng thích sự tiện lợi của cốc nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, theo số liệu bán hàng của chính RefreshJuice, doanh thu nước ép của họ đã tăng 10% so với năm trước.
Câu hỏi:
Trong các yếu tố sau, yếu tố nào giải thích MẠNH NHẤT bác bỏ tuyên bố của RefreshJuice?
(A) Tổng doanh số của tất cả các loại đồ uống tại RefreshJuice tăng chưa đến 10% vào năm ngoái.
(B) Khách hàng của RefreshJuice đã đưa ra phản hồi tích cực về ly thủy tái sử dụng mới.
(C) Việc giới thiệu một hương vị nước ép mới, phổ biến vào năm ngoái đã thúc đẩy đáng kể doanh số bán hàng.
(D) Chi phí của ly thủy tái sử dụng cao hơn ly nhựa dùng một lần.
Case Study 3: Electronics company
TechGen, một công ty điện tử nổi tiếng, đã trúng thầu cung cấp vi mạch thiết kế tuỳ chỉnh cho dòng điện thoại thông minh mới do nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu, MobileX, sản xuất. Các nhà phân tích ước tính rằng hợp đồng này khó có thể trang trải đủ chi phí sản xuất vi mạch của TechGen. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của TechGen tuyên bố rằng việc trúng thầu thực sự sẽ mang lại lợi nhuận cho công ty.
Câu hỏi:
Trong các yếu tố sau, yếu tố nào TÁC ĐỘNG MẠNH chứng minh cho tuyên bố của các giám đốc điều hành TechGen?
(A) MobileX có lịch sử trao các hợp đồng tiếp theo cho các nhà cung cấp giao hàng đúng hạn, chất lượng cao và trong ngân sách.
(B) Vi mạch thiết kế tuỳ chỉnh của TechGen cung cấp hiệu suất và hiệu quả vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh.
(C) Tiêu chí duy nhất mà MobileX xem xét khi trao thầu cho TechGen là giá của vi mạch.
(D) Khi một nhà sản xuất điện thoại di động chọn nhà cung cấp cho một linh kiện cụ thể, họ hiếm khi chuyển sang nhà cung cấp khác cho các dòng sản phẩm tương lai.
Kết
Kỹ năng phân tích là một trong những yếu tố then chốt giúp sinh viên đạt được thành công, đặc biệt khi bạn muốn làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia hay những doanh nghiệp hàng đầu. Việc đầu tư thời gian rèn luyện kỹ năng này thông qua các case study như đã đề cập sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn để đưa ra những quyết định chính xác. Không chỉ dừng lại ở công việc, kỹ năng phân tích còn giúp ích cho các quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, hãy dành thời gian để mài dũa kỹ năng này, nó sẽ là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội và thành công cho bạn.